Lúc 21 giờ 06 tối nay, 10/12, khắp Việt Nam đều có thể thấy nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường, sự việc 3 năm nữa mới lại xuất hiện.
Trao đổi với PV, ông Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu lúc 19 giờ 45 tối nay, 10/12. Đến 21 giờ 06 phút, nếu điều kiện thời tiết tốt, người dân Việt Nam sẽ được quan sát nguyệt thực toàn phần thú vị: Mặt Trăng lúc này có màu đỏ, khác hẳn với ánh trăng rằm bình thường (dân gian hay gọi là hiện tượng “gấu ăn trăng”).
Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 21h33 cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ đậm nhất.
Các nơi có thể quan sát hiện tượng này gồm có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Á và Alaska. Việt Nam có thuận lợi năm trọn trong vùng này. Các khu vực Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Bắc Mỹ chỉ theo dõi được hiện tượng khi Trăng đang mọc hoặc đang lặn – CLB Thiên văn TPHCM cho hay.
“Các nơi khác có thể chỉ xem được nguyệt thực một phần. Nhưng Việt Nam lại được xem cả nguyệt thực toàn phần” – ông Đặng Tuấn Duy thông tin.
Giải thích về nguyên nhân gây ra hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, ông Duy cho biết, do chuyển động tương đối giữa 3 “người hàng xóm” là Mặt trời, Trái đất, Mặt trăng nên có lúc Trái đất che hết ánh sáng chiếu từ Mặt trời đến Mặt trăng. Nhưng những tia sáng đỏ lại được khúc xạ và vượt qua bầu khí quyển đến Mặt Trăng, trong khi các tia xanh, tím...(có bước sóng ngắn hơn) bị tán xạ và hấp thụ. Vì thế con người có thể nhìn thấy màu đỏ từ Mặt trăng.
Nhân sự kiện đặc biệt này, các bạn trẻ yêu thiên văn đã lên kế hoạch quan sát bầu trời với những “đồ nghề” hiện đại.
Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP. HCM sẽ mang kính thiên văn lớn nhất của mình là Celestron 11 để quan sát nguyệt thực. Kính có đường kính 279 mm có thể giúp quan sát tốt cả tinh vân và các hành tinh trong hệ mặt trời.
Tại Hà Nội, câu lạc bộ thiên văn sẽ tổ chức quan sát quay phim và chụp ảnh mặt trăng khi nguyệt thực qua kính thiên văn, biểu diễn bắn tên lửa nước, chiếu phim về thiên văn.
Tại Đà Nẵng, Câu lạc bộ thiên văn Bách Khoa sẽ tổ chức tại quan sát từ 18h30 đường Lý Thái Tổ, sau trường Đại học Bách Khoa. Người tham gia sẽ được hướng dẫn quan sát các chòm sao và chụp ảnh chúng.
Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra năm 2014 nhưng sẽ rất lâu nữa Việt Nam mới có thể theo dõi được trọn vẹn và dễ dàng như lần nguyệt thực này. Lần nguyệt thực vào tháng 6 năm nay tuy dài nhất thế kỷ nhưng ở Việt Nam khó quan sát hơn lần này – ông Đặng Tuấn Duy cho biết thêm.
1 comments:
để xem sao
Post a Comment